Trong năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, tỉnh Bắc Kạn có bước đột phá mạnh trong thu hút đầu tư, tổng số vốn đầu tư vào địa phương đã chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư của 25 năm tái lập tỉnh. Điều đặc biệt nhất, đó là đã có sự dịch chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương, đó là du lịch và nông lâm nghiệp.
Những thay đổi quan trọng
Trong những năm 2020-2021-2022, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 48 dự án lớn, tổng số vốn hơn 8.200 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 20 nhà đầu tư khác cũng đã được Bắc Kạn chấp thuận đến nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án và tài trợ quy hoạch với tổng số vốn dự kiến lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong nước.
Sự thay đổi đáng kể và rất đáng hoan nghênh, đó là môi trường đầu tư tại Bắc Kạn đã được cải thiện một cách rõ rệt so với nhiều năm về trước. Để giúp cho các thủ tục được thực hiện nhanh và không lãng phí môi trường đầu tư rất tốt. Nếu như trước đây, để đầu tư dự án trồng rừng tại 4 xã của huyện Pác Nặm phải mất đến 2 năm, nay làm thủ tục đầu tư chỉ mất chưa đến 4 tháng. Có thể thấy thời gian đã giảm đến hơn 2/3, mà với doanh nghiệp hay các nhà đầu tư thì thời gian chính là vàng bạc.
Nếu như nhiều năm trước, khai mỏ, chế biến khoáng sản luôn là lĩnh vực được quan tâm nhất thì những dự án mới đây, phần lớn là lĩnh vực du lịch, trọng điểm là du lịch hồ Ba Bể, bên cạnh đó là trồng rừng và chế biến nông lâm sản. Ngoài ra, một số dự án đầu tư hạ tầng, khu dân cư đô thị cũng đã được triển khai.
Đặc biệt, Bắc Kạn đang triển khai 2 tuyến giao thông huyết mạch nối từ Thái Nguyên đến thành phố Bắc Kạn và từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể. Việc tháo gỡ điểm nghẽn giao thông chính là điều kiện quan trọng để địa phương này đón những luồng vốn mới, đặc biệt là mảng du lịch.
Không ngừng đổi mới để thu hút đầu tư mạnh mẽ
Với tinh thần cầu thị, quyết tâm phát triển kinh tế “xanh” một cách bài bản, bền vững, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp tại các tỉnh có điều kiện tương tự như Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Quảng Nam; đồng thời, nghiên cứu mô hình du lịch của tỉnh Tochigi (Nhật Bản) có địa hình tương đồng với Bắc Kạn.
Theo quan điểm của các lãnh đạo tỉnh, học tập để phát triển nhưng phải tạo điểm nhấn riêng. Tỉnh xác định và chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PCI, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư để thu hút cao nhất vốn đầu tư ngoài ngân sách. Trong đó, du lịch sẽ là điểm nhấn với mục tiêu Bắc Kạn sẽ trở thành điểm đến tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Bắc Kạn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhờ các địa điểm nổi tiếng với hồ Ba Bể, Vườn Quốc Gia Ba Bể Bắc Kạn, Hồ Sinh Thái Bản Chang, Địa Điểm Du Lịch Sinh Thái Bắc Kạn, thác Nà Khoang Bắc Kạn, Bản Du Lịch Pác Ngòi, Đảo Bà Góa Bắc Kạn, Động Puông Bắc Kạn, Thác Bạc Bản Vàng Bắc Kạn,… Với điều kiện trên đây, rất thích hợp để xây dựng kiểu mô hình du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt, nhiều chuyên gia ví von nếu như làm một cách khéo léo hoàn toàn có thể trở thành một “Sapa” thứ 2 của cả nước, giúp cho khách du lịch có đa dạng lựa chọn hơn trong các hành trình của mình.
Dù trong hiện tại, ngành du lịch của Bắc Kạn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, chỉ cần được đầu tư bài bản và đúng hướng, đặc biệt ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, giúp cho việc di chuyển của mọi người thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều lần thì du lịch Bắc Kạn sẽ còn phát triển nữa!