Làng cổ Đường Lâm là ngôi làng cổ được công nhận đầu tiên và lâu đời nhất ở Việt Nam. Với bề dày lịch sử ấy, Đường Lâm như một chứng nhân lịch sử sừng sững đứng nhìn sự đổi thay của mảnh đất Thủ đô, song nó vẫn giữ được cái nét yên bình, cổ kính mà nơi phố thị kia hiếm khi có được.
Mục lục
- 1 Bạn đã biết những thông tin này về Làng cổ Đường Lâm chưa?
- 2 Nên đi Làng cổ Đường Lâm vào thời gian nào thích hợp nhất?
- 3 Hướng dẫn di chuyển đến Làng cổ Đường Lâm chi tiết và nhanh chóng
- 4 Khám phá những nét kiến trúc độc đáo tại Làng cổ Đường Lâm
- 5 Làng cổ Đường Lâm – quê hương của những vị anh hùng hào kiệt
- 6 Làng cổ Đường Lâm – nét yên bình trong từng góc nhỏ
- 7 Đến Làng cổ Đường Lâm nên ăn gì ngon? ở đâu tốt nhất?
- 8 Giá vé vào làng cổ Đường Lâm và chi phí cho tour làng cổ Đường Lâm 1 ngày
- 9 Những kinh nghiệm cần lưu ý cho chuyến đi làng cổ Đường Lâm trọn vẹn
Bạn đã biết những thông tin này về Làng cổ Đường Lâm chưa?
-
Làng cổ Đường Lâm ở đâu?
Làng cổ Đường Lâm được biết đến là một ngôi làng cổ truyền thống có niên đại hàng trăm năm tuổi, có địa chỉ cụ thể nằm ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Trong bộ quốc Đại Việt sử ký toàn thư của Việt Nam, Đường Lâm chính là nơi sinh ra của vua Ngô Quyền và Phùng Hưng đại vương thế nên còn được gọi là “đất hai vua”.
Nhịp sống thường ngày ở làng cổ Đường Lâm
-
Làng cổ Đường Lâm cách Hà Nội bao xa? đi bao lâu?
Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, giáp với xã Cam Thượng (Ba Vì), huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), xã Xuân Sơn, xã Thanh Mỹ, phường Trung Hưng, phường Phú Thịnh.
Để di chuyển đến Làng cổ Đường Lâm từ trung tâm thành phố thì bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng lái xe. Nếu bạn di chuyển bằng phương tiện công cộng thì có thể sẽ lâu hơn một chút vì xe bus sẽ phải dừng lại ở các trạm và đôi lúc bạn sẽ phải đổi chuyến.
-
Làng cổ Đường Lâm có từ bao giờ? Lịch sử Làng cổ Đường Lâm như thế nào?
Đường Lâm không chỉ nổi tiếng với danh xưng là “đất hai vua” mà còn là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng khác như bà Man Thiện – mẹ của hai Bà Trưng, Thám hoa Giang Văn Minh cùng nhiều người có đóng góp lớn trong lịch sử và văn hóa dân tộc khác.
Đường Lâm nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt
Mặc dù thường được gọi là làng cổ, nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa đã bao gồm 9 thôn thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Trong số này, chỉ có có 5 thôn được xem là những làng cổ thực sự nhất, bao gồm Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng và Mông Phụ. Các thôn này không chỉ có kiến trúc cổ kính, đẹp mắt mà còn giữ được những nét phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống hàng ngàn năm qua của dân tộc Việt Nam.
Vào ngày 19 tháng 5 năm 2006, làng Đường Lâm đã chính thức được Nhà nước Việt Nam công nhận là làng cổ đầu tiên trong nước, được trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Điều này thể hiện sự quan trọng và giá trị lịch sử của địa danh này trong lòng người dân Việt Nam.
-
Giới thiệu về Làng cổ Đường Lâm – Hiện tại phát triển như thế nào?
Làng Đường Lâm hiện vẫn giữ nguyên những đặc trưng cổ kính của một làng quê miền Bắc Việt Nam truyền thống với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa và hệ thống đường gạch đá ong độc đáo. Đến đây, bạn sẽ được hòa mình vào không gian yên bình và trực tiếp trải nghiệm văn hóa làng nghề nông thôn Việt Nam qua các nghề thủ công truyền thống như làm mây tre đan, làm kẹo lạc, kẹo dồi và chè lam.
Những con đường làng cổ kính ở Đường Lâm
Ngày nay, Đường Lâm đang phát triển chung của thành phố nhưng c vẫn gìn giữ được nét đẹp truyền thống đặc sắc của một làng quê Bắc Bộ. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch đã tạo ra một không gian vô cùng độc đáo và riêng biệt của làng cổ này giữa chốn Hà thành phồn hoa đô hội.
XEM THÊM: Tổng hợp 4 khu nghỉ dưỡng Thanh Thủy Phú Thọ nổi tiếng
Nên đi Làng cổ Đường Lâm vào thời gian nào thích hợp nhất?
Thời gian đẹp nhất để ghé thăm làng cổ Đường Lâm có lẽ là vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lúa chín hàng năm. Đầu năm xuân đến cũng là lúc người dân làng Đường Lâm tất bật chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại nhất năm nên khi đến đây vào thời gian này bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm những ngày Tết đúng chuẩn làng quê Bắc Bộ truyền thống với cây quất cây đào, câu đối đỏ, bánh chưng xanh và lồng đèn treo sáng rực khắp mọi nẻo đường xóm làng. Thật hiếm khi nào được hòa mình vào một không khí bình yên, dịu dàng và vương vấn khói đốt rơm ban chiều như vậy ở một nơi như Hà Nội đúng không nào?
Làng cổ Đường Lâm những ngày cận Tết Nguyên đán
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm cũng có rất nhiều du khách ghé thăm Đường Lâm vì đây là thời điểm những cánh đồng lúa ở đây chuyển sang màu chín vàng rực rỡ cả một góc trời, rơm khô được trải dài trên các con đường tạo nên cảnh tượng vô cùng độc đáo và ấn tượng mà có lẽ lâu rồi bạn chưa được gặp lại.
Hướng dẫn di chuyển đến Làng cổ Đường Lâm chi tiết và nhanh chóng
-
Đi phương tiện cá nhân đến làng Đường Lâm
Nếu bạn có phương tiện cá nhân như ô tô hoặc xe máy thì có thể tự mình di chuyển đến làng cổ Đường Lâm theo tuyến đường quốc lộ 21B. Sau khi đến thị xã Sơn Tây thì bạn có thể tiếp tục tra map để đi đến làng cổ bạn nhé.
-
Xe bus đi làng cổ Đường Lâm có những chuyến nào?
Bạn có thể đi bằng xe buýt từ trung tâm Hà Nội đến trạm trung chuyển thị xã Sơn Tây, tùy vào điểm xuất phát mà bạn có thể tìm cho mình một chuyến bus phù hợp trên một số ứng dụng thông minh như Bus Map hay Tìm Bus. Sau khi đến bến Sơn Tây thì bạn xuống xe và có thể di chuyển bằng xe ôm hoặc xe taxi để đến làng cổ Đường Lâm.
-
Đi du lịch làng cổ Đường Lâm bằng xe khách
Ngoài ra bạn cũng có thể bắt những chuyến xe Hà Nội – Phú Thọ ở bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát hay Nước Ngầm. Sau khi đến thị xã Sơn Tây thì bạn có thể xuống xe và chủ động di chuyển đến làng cổ Đường Lâm bằng xe ôm hoặc taxi.
Khám phá những nét kiến trúc độc đáo tại Làng cổ Đường Lâm
-
Đình làng Mông Phụ – địa điểm chụp ảnh làng cổ Đường Lâm cực hot
Nằm ngay giữa làng cổ là đình làng Mông Phụ, một tuyệt tác kiến trúc đã tồn tại suốt 380 năm qua. Với diện tích rộng lớn khoảng 1800m2, ngôi đình mang trong mình vẻ đẹp tinh tế và sức hút đặc biệt khi kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Việt và Mường, nổi bật với những chi tiết đặc trưng của nhà sàn khung gỗ.
Một buổi chiều bình yên tại đình làng Mông Phụ
Bước vào bên trong, bạn sẽ ngạc nhiên trước sự phong phú và tinh tế của Đình từ kiến trúc đến cách bày trí, những bức hoành phi câu đối treo trên tường đã tạo nên một không gian không chỉ đẹp mắt mà còn vô cùng trang nghiêm. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài năng và sự sáng tạo của những người thợ xưa, Đình làng Mông Phụ đã trở thành một công trình kiến trúc làm nên danh tiếng của làng cổ Đường Lâm, đồng thời cũng là niềm tự hào to lớn của người dân xứ Đoài.
-
Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Đường Lâm Hà Nội
Đến với làng cổ Đường Lâm thì không thể nào bỏ qua cơ hội ghé thăm những ngôi nhà cổ nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của vùng đất này. Các bạn có thể đến nhà cổ ông Hùng, nhà cổ ông Thể hay nhà cổ bà Điền để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và đậm nét miền quê Bắc Bộ mà dường như chỉ còn được thấy trên phim ảnh, tư liệu.
Những hàng ngô được treo đầy trước gian bếp cũ ở nhà cổ Đường Lâm
Những ngôi nhà cổ này có niên đại hàng trăm năm lịch sử, trải qua rất nhiều thế hệ sinh sống cho đến thời điểm hiện tại. Điểm chung của những ngôi nhà này là đều có kết cấu cổng đá ong và nhà chia gian: gian thờ cúng, gian tiếp khách và gian ngủ. Bên ngoài nhà là khoảng sân gạch rộng rãi và thoáng mát, đây là khu vực nhà bếp và giếng nước, có đặt sẵn vài chiếc chum vại cùng đống rơm nhỏ được dùng khi nấu cơm. Bao quanh ngôi nhà là vườn cây ăn trái trĩu quả, nào bưởi nào na khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến ngôi nhà thân yêu, quen thuộc của ông bà mình lúc thuở nhỏ.
-
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh – tọa độ tham quan làng cổ Đường Lâm nổi tiếng
Trong làng Mông Phụ, có nhiều nhà thờ của các họ như Giang, Nguyễn, Phan, Hà…tuy nhiên, nhà thờ họ Giang, thờ Thám hoa Giang Văn Minh lại là một địa điểm đặc biệt. Giang Văn Minh là một vị sứ thần của nước ta được cử sang Trung Quốc vào thế kỷ 17, ông được biết đến là người có trí tuệ và võ nghệ, lại có công thuyết phục vua Minh bãi bỏ một số món nợ giữa nhà Minh và nước ta. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị vua Minh và quan thần giết hại. Vua Lê – Chúa Trịnh khi về thăm lăng mộ ông đã truy tặng tước hiệu “Công bộ tả thị lang Minh quận công” cho vị thám hoa tài ba và lập đền thờ của ông tại quê nhà.
Không gian phía trước điện thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh hiện là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và là điểm đến thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, các hạng mục của công trình đang xuống cấp nên dòng họ Giang và bà con nhân dân nơi đây rất mong được chính phủ quan tâm và đầu tư để bảo tồn và phục hồi công trình này.
-
Nhà thờ giáo họ Mông Phụ
Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình khám phá kiến trúc làng cổ Đường Lâm chính là nhà thờ giáo họ Mông Phụ. Con đường hẹp dẫn đến nhà thờ này có khá nhiều ngã rẽ khó tìm nên bạn có thể hỏi thăm những người dân bản địa để đến được đây nhé.
Nhà thờ giáo họ Mông Phụ Đường Lâm
Nhà thờ nằm nổi bật giữa hàng trăm mái nhà cổ, có kiến trúc tương đối giống như những ngôi nhà thờ Công giáo bình thường khác. Tuy nhiên chính sự nổi bật và nhuốm màu thời gian của nơi này đã tạo nên một bức tranh đặc biệt khi nhìn từ trên cao.
Làng cổ Đường Lâm – quê hương của những vị anh hùng hào kiệt
-
Đền thờ Phùng Hưng
Đền thờ Phùng Hưng là ngôi đền được xây dựng bởi chính những người dân trong làng để tôn vinh công lao to lớn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – người đã có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo nhân dân chống lại quân nhà Đường, chiếm thành Tống Bình và giành quyền tự chủ. Sau những chiến công vĩ đại, Đình Phùng Hưng ở thôn Cam Lâm, trở thành nơi thờ cúng linh thiêng, được nhiều người tôn kính và quan tâm.
Đền thờ Phùng Hưng Đại Vương
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, quy mô của đền đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần, với các hạng mục như Cổng Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Lễ hội Đền thờ Phùng hưng được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng đến hành hương và tưởng niệm.
-
Đền thờ Ngô Quyền
Đền thờ Ngô Quyền là ngôi đền thờ đã tồn tại từ rất lâu đời và trải qua nhiều lần trùng tu, với lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883). Đền có quy mô tương đối khiêm tốn nhưng lại vô cùng trang nghiêm, bao gồm các phần như Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu Cung.
Đền thờ vua Ngô Quyền tại quê hương
Đền được xây bằng gạch, lợp ngói cong (hay còn gọi là ngói mũi hài) và có tường bao quanh kiên cố. Trong đền có khu vực điện thờ Đại Bái, là một nếp nhà 5 gian, với bộ khung gỗ thể hiện sự bền chắc và tôn nghiêm dùng để thờ vua Ngô Quyền. Ngoài ra, hiện nay Đại Bái còn được sử dụng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng cũng như về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền.
XEM THÊM: Khám phá các nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Làng cổ Đường Lâm – nét yên bình trong từng góc nhỏ
-
Cổng làng cổ Đường Lâm – địa điểm chụp ảnh áo dài ở Làng cổ Đường Lâm cực thơ mộng
Cổng làng cổ Đường Lâm hay còn được gọi là cổng làng Mông Phụ, là một trong những chiếc cổng là nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII, thời Lê, có bề ngang đủ rộng để xe tải đi qua. Cổng quay mặt về hướng Đông Nam, chếch về phía Tây là núi Tổ. Trước cổng có cây đa, cây duối, ao sen, đống rơm vàng và Trạm y tế xã, khung cảnh này thật khiến người ta cảm thấy bình yên và nhẹ nhàng đúng không nào?
Cổng làng Đường Lâm những ngày nắng hạ
Cổng làng Mông Phụ không chỉ là một biểu tượng tiêu biểu cho vùng nông thôn Bắc Bộ xưa cũ, mà còn gắn liền với nền văn minh nông nghiệp và văn hóa làng quê của dân tộc Việt Nam. Bạn có thể sẽ thường bắt gặp được chiếc cổng này trên những bức ảnh nghệ thuật, những bức tranh hay những bộ phim truyền hình nổi tiếng.
Khung cảnh đúng chuẩn “cây đa, giếng nước, sân đình” theo lời kể của ông bà
Năm 2008, cổng làng đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2013 lại được tổ chức UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng danh giá.
-
Ghé thăm quán nước ven đường nghe kể chuyện xưa
Đến làng cổ Đường Lâm chắc chắn bạn sẽ bị thu hút bởi những quán nước nhỏ đơn sơ ở ven đường từ cổng làng đến các địa điểm du lịch, tưởng chừng như bình thường nhưng đây lại là một trong những nét đặc sắc của ngôi làng này.
Những quán nước dân dã nằm dọc cổng làng
Khi bạn đến một quán nước nào đó ở đây thì chè lam và nước vối chính là hai thứ không thể nào thiếu được. Bạn sẽ được nghe các cô chú bán hàng kể chuyện về làng cổ, về những phong tục tập quán hay cách làm ra những món ăn ngon hấp dẫn ở nơi đây, hứa hẹn là là trải nghiệm nghỉ chân giữa giờ thú vị để tiếp bước cho chuyến hành trình khám phá làng cổ Đường Lâm của bạn thêm vui và sôi động.
-
Những con đường làng gạch đỏ nhuốm màu thời gian
Những con đường làng lát gạch vẫn luôn là điểm đến được nhiều du khách yêu thích và check in khi đến làng cổ Đường Lâm. Bất cứ một góc đường nào trong làng cũng có thể mang đến cho bạn một không gian xưa cũ và có chút vintage, từ những bức tường đá ong, những mái nhà ngói lợi hay đống rơm, hàng cây ven đường cũng có thể trở thành background vô cùng chất lượng cho bức hình của bạn. Và đừng quên mang theo một “phó nháy” có tâm theo nhé.
Con đường đá ong ở Đường Lâm là địa điểm check in yêu thích của nhiều bạn trẻ
-
Làng cổ Đường Lâm có gì? – Giếng cổ Đường Lâm
Ngoài ra còn có một nơi mà có lẽ bạn sẽ ít gặp được ở trong thành phố mà lại có ở làng Đường Lâm đó chính là những chiếc giếng cổ. Giếng ở đây cũng được làm từ đá ong đỏ, có thành cao và phủ đầy rêu phong, được dùng để chứa nước sinh hoạt của bà con nhân dân.
Tuy hiện nay những chiếc giếng cổ như vậy không còn nhiều nhưng nó vẫn luôn tồn tại và đi cùng với thời gian, trở thành một biểu tượng đẹp của ngôi làng, ẩn chứa trong mình nét đẹp bình yên và xưa cũ của một thời đã qua.
-
Một số hình ảnh Làng cổ Đường Lâm đẹp
Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp yên bình của Đường Lâm ngày mưa se lạnh
Khoảng sân trước nhà cổ chứa đầy ký ức tuổi thơ của nhiều người
Đến Làng cổ Đường Lâm nên ăn gì ngon? ở đâu tốt nhất?
-
Ăn gì ở làng cổ Đường Lâm? Đặc sản làng cổ Đường Lâm có gì?
Đã cất công đến làng cổ Đường Lâm thì bạn nhất định phải thử các món ngon đặc sản ở đây thì khi ra về mới không nuối tiếc. Có một số món ăn mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý du khách như: thịt quay đòn, gà mía Sơn Tây, chè lam, chè kho, tương bần, bánh rán nước, củ cải khô…
Chè lam
Thịt quay đòn
-
Top những homestay làng cổ Đường Lâm chất lượng – giá rẻ dành cho bạn
Nếu bạn đang có ý định nghỉ lại qua đêm tại làng cổ Đường Lâm thì chúng tôi có thể gợi ý cho bạn một số homestay xinh xắn nằm ngay trong làng với mức giá hợp lý giúp bạn có những trải nghiệm nghỉ ngơi tuyệt vời
- Chicken’s house – Đường Lâm Homestay
- Địa chỉ: thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
- Không gian: nhà ở đơn giản, nhiều cây xanh, đón ánh nắng mặt trời, đầy đủ tiện nghi
- Mức giá trung bình: 450.000/đêm
- Elephant’s house – Đường Lâm Homestay
- Địa chỉ: số 44 đường Cam Thịnh, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
- Không gian: nhà ở đơn giản, nhiều cây xanh, tường gạch, đầy đủ tiện nghi
- Mức giá trung bình: 500.000/đêm
- Về Làng Homestay
- Địa chỉ: Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
- Không gian: hiện đại, tone màu sáng trắng, nhiều cây xanh
- Mức giá trung bình: 500.000/đêm
Giá vé vào làng cổ Đường Lâm và chi phí cho tour làng cổ Đường Lâm 1 ngày
-
Làng cổ Đường Lâm giá vé vào tham quan là bao nhiêu?
Để vào thăm quan làng cổ Đường Lâm thì bạn sẽ phải mua vé vào cổng với mức giá 20.000/người lớn và miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi. Với vé vào cổng này bạn có thể thoải mái đi khám phá ở các địa điểm đền chùa, đường làng hay nhà cổ ở khu vực du lịch cho phép. Ngoài ra nếu bạn có nhu cầu đi xe điện thì có thể thuê xe với giá 50.000/người.
Đối với các dịch vụ như tự tay làm bánh hay làm chè lam thì bạn sẽ phải tự chi trả thêm theo mức giá quy định của từng địa điểm du lịch cụ thể.
-
Gợi ý cho bạn tour làng cổ Đường Lâm 1 ngày khám phá tất tần tật
-
- 7h00: xe đón du khách tại điểm hẹn trong thành phố, xuất phát đi Làng cổ Đường Lâm
- 9h00: xe đến làng cổ Đường Lâm, du khách xuống xe mua vé và bắt đầu hành trình tham quan làng cổ với một số địa điểm: cổng làng Mông Phụ, đình làng Mông Phụ, khu nhà cổ, giếng cổ…
- 11h00: du khách dùng bữa trưa tại nhà hàng trong khu du lịch với các món ăn đặc sản tuy dân dã nhưng lại rất thơm ngon
- 13h30: du khách tiếp tục chuyến hành trình khám phá làng cổ Đường Lâm, đi tham quan các địa điểm di tích lịch sử: đền thờ Phùng Hưng, đền thờ Ngô Quyền, nhà thờ họ Giang, nhà thờ giáo họ Mông Phụ
- 16h00: du khách ghé thăm địa điểm bán đồ lưu niệm để mua quà đặc sản Đường Lâm về cho gia đình, bạn bè.
- 16h30: du khách lên xe và xuất phát trở về Hà Nội
- 18h00: xe đưa du khách về điểm hẹn ban đầu, kết thúc chuyến đi 1 ngày đến làng cổ Đường Lâm.
XEM THÊM: Khám phá khu du lịch sinh thái Long Việt hot nhất 2024
Những kinh nghiệm cần lưu ý cho chuyến đi làng cổ Đường Lâm trọn vẹn
- Vì làng cổ có nhiều địa điểm di tích, đền chùa nên bạn hãy mặc trang phục lịch sự và kín đáo khi đến đây tham quan nhé.
- Nên xem trước dự báo thời tiết và chọn một ngày đẹp trời đến ghé thăm làng cổ Đường Lâm vì những ngày trời mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm du lịch ngoài trời của bạn.
- Bạn có thể mang theo ô dù, kem chống nắng hay áo chống nắng để bảo vệ làn da của mình khi di chuyển và hoạt động ngoài trời.
- Ngay cổng làng sẽ có địa điểm bán vé tham quan nên bạn có thể mua ngay tại đây mà không cần đi đâu xa
Làng cổ Đường Lâm đọng lại gì trong mắt bạn?
- Nếu bạn đi với số lượng đông người thì hãy liên lạc trước với ban quản lý làng để được hỗ trợ chuyến đi chu đáo hơn
- Trong khoảng từ mồng 1 đến mồng 10 tháng Giêng hàng năm làng cổ Đường Lâm sẽ có rất nhiều lễ hội đón xuân thú vị nên nếu có thể thì bạn hãy đến tham quan vào thời gian này nhé.
- Hãy giữ phép lịch giữ khi giao tiếp và đi tham quan các địa điểm du lịch trong làng, không nên nói tục chửi bậy hay làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân ở đây.
- Giữ gìn, bảo vệ các di tích và tác phẩm trưng bày ở những địa điểm du lịch, đặc biệt là ở những ngôi nhà cổ hay đền thờ, không leo trèo, đu bám lên cánh cửa hay cây cối ở các ngôi nhà cổ.
Ghé thăm làng cổ Đường Lâm – nơi được mệnh danh là một trong những cổ trấn đẹp nhất xứ Đoài Sơn Tây chắc chắn sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho bạn trong những kỳ nghỉ cuối tuần. Mùa lúa chín sắp tới, hãy tranh thủ cùng gia đình, bạn bè dành ra một ngày để ghé thăm làng cổ và tận hưởng không gian yên bình, tránh xa những xô bồ hay khói bụi của thành thị. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp cho bạn có một chuyến đi thật tuyệt vời.