Thời gian vừa qua, việc siết chặt room tín dụng khiến cho nguồn vốn cũng như các thủ tục pháp lý để đầu tư vào các dự án bất động sản gặp nhiều các khó khăn hơn. Với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, hành động này phần nào giúp cán cân đầu tư được công bằng hơn.
Hạng mục đầu tư đặc thù
Mỗi nhà đầu tư bất động sản khi đến với địa phương là tạo động lực, mang lại các giá trị tích cực đối với sự phát triển kinh tế cho địa phương đó. Thế nhưng, dường như nhiều doanh nghiệp lại đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục pháp lý cũng như nguồn vốn, điều này liệu có doanh nghiệp đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang gặp phải?
Đối với nhà đầu tư bất động sản nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu, riêng với bất động sản nghỉ dưỡng do tính đặc thù nên đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Vì thế, nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, là bộ khung nâng đỡ cho các dự án của doanh nghiệp. Đối với mỗi dự án nếu được cấp tín dụng xem như là bảo chứng cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác, trong đó có nguồn từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
Điều này vừa là thế mạnh cũng như là yếu tố để xác định doanh nghiệp nào đủ tiềm lực để có thể đầu tư vào hạng mục này. Những doanh nghiệp chứng minh được rằng mình có thể giúp cho địa phương phát triển với năng lực hiện có, chắc chắn quá trình gọi vốn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua có những bất cập trong một số dự án đầu tư bất động sản, song chúng ta không nên đánh đồng các doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng yếu kém mà có nhiều doanh nghiệp rất chắc chắn, đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho các khoản vay.
Trong điều phối tín dụng ngân hàng và trái phiếu đối với hoạt động kinh tế xã hội cố gắng cân bằng. Ngoài ra, nếu có biến động thì các bên điều hành tài chính thì cần có thông báo, cảnh báo để cho doanh nghiệp để có giải pháp ứng phó, chuẩn bị nguồn vốn khác phù hợp.
Công bằng để phát triển
Nhờ nguồn vốn vay thành công, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để triển khai các dự án, tuy nhiên, trong quá trình thực thi nếu ngân hàng dừng không cấp vốn sẽ khiến dự án có rủi ro và sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn. Vì vậy mà các nút thắt về pháp lý cũng cần sớm được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể sớm thực hiện dự án.
Ngoài ra, điều mà các chủ doanh nghiệp trăn trở đó là khi đến các địa phương đầu tư cũng phải được tạo điều kiện hay thường gọi là trải thảm để hai bên cùng có lợi, và làm sao thay đổi quan điểm xin cho đối với nhà đầu tư.
Đồng thời, với mỗi dự án bất động sản thì vấn đề quy hoạch rất quan trọng. Thực tiễn, ở mỗi tỉnh, địa phương đều có quy hoạch chung và trong quy hoạch chung sẽ có quy hoạch riêng về đất đai. Tuy nhiên, nhiều địa phương do không quy hoạch kỹ và thiếu tư vấn dẫn tới triển khai một số dự án không phù hợp. Do vậy, đôi bên cần phải quan tâm chú trọng nhiều hơn đến vấn đề này.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập quy trình đầu tư và tối giản các thủ tục cần thực hiện, đơn giản hơn về cơ chế – chính sách để mọi hoạt động đầu tư của các hạng mục trong bất động sản nghỉ dưỡng không bị ứ đọng và tắc nghẽn lại.
Những sự công bằng cần có với bất động sản nghỉ dưỡng không phải là điều gì quá xa xôi, chỉ cần các nhà quản lý lắng nghe và thay đổi những nút thắt kéo dài từ lâu thì đây sẽ là bài toán nhẹ nhàng hơn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư những sản phẩm chất lượng cao nhất đến cho khách hàng!