Văn hóa Trà đạo Nhật Bản chắc hẳn không còn là một định nghĩa mới mẻ trong nhận thức của nhiều người, dù là người yêu thích hay không thì cũng ít nhất một lần nghe đến cụm từ này. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết được nguồn gốc, ý nghĩa hay cách thưởng thức Trà đạo. Vì vậy nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc đôi nét thú vị về loại hình văn hóa độc đáo này của Nhật Bản nhé.
Mục lục
- 1 Trà đạo Nhật Bản là gì? Khái quát chung về văn hóa Trà đạo của Nhật Bản
- 2 4 nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật Trà đạo
- 3 Nguồn gốc lịch sử Trà đạo Nhật Bản như thế nào?
- 4 Ý nghĩa của trà đạo Nhật Bản là gì?
- 5 Trà đạo Nhật Bản được tổ chức khi nào?
- 6 Các trường phái chính trong văn hóa Trà đạo Nhật Bản
- 7 Không gian thưởng thức trà đạo chuẩn Nhật
- 8 Nguyên liệu, dụng cụ pha chế trà đạo
- 9 Các loại trà thường được sử dụng trong nghệ thuật Trà đạo Nhật Bản
- 10 Cách thức pha chế và thưởng thức trà đạo đúng chuẩn
- 11 Văn hóa Trà đạo Nhật Bản tại Việt Nam
- 12 Gợi ý một vài địa điểm trải nghiệm trà đạo đúng chuẩn phong cách Nhật Bản
Trà đạo Nhật Bản là gì? Khái quát chung về văn hóa Trà đạo của Nhật Bản
Trà đạo Nhật Bản hay còn được gọi là Chanoyu, Sado (Chado) hoặc Ocha, là một loại hình nghệ thuật truyền thống trong văn hóa của người Nhật, bao gồm việc chuẩn bị, chế biến và thưởng thức các loại trà cùng một số món đồ ngọt.
nguồn ảnh: sưu tầm
Trà đạo là hình thức đón tiếp và phục vụ khách đến nhà của người Nhật, trong bữa tiệc trà sẽ có một người chủ trì có nhiệm vụ pha trà theo nghi thức truyền thống. Trà được sử dụng để phục vụ trong bữa tiệc trà đạo là một loại bột được xay nhuyễn từ các lá trà, gọi là Matcha.
Trà đạo không chỉ là một hình thức chiêu đã khách mà còn là một nét văn hóa độc đáo, có mối liên hệ mật thiết với loại hình ẩm thực Kaiseki nổi tiếng của Nhật Bản. Trong một buổi trà đạo đúng nghĩa, ngoài uống trà, bạn sẽ được tìm hiểu về rất nhiều điều thú vị khác như không gian phòng trà đạo, các loại dụng cụ pha trà, gốm sứ Nhật Bản hay cách ứng xử chuẩn mực trong nghi lễ này.
4 nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật Trà đạo
Trong văn hóa trà đạo của Nhật Bản có 4 nguyên tắc cơ bản cần tuân theo để thể hiện đúng tinh thần của người pha trà, trà và người thưởng trà, 4 nguyên tắc đó chính là: Hòa – Kính – Thanh – Tịch.
- Hòa: chữ “hòa” ở đây nằm trong cụm từ “hài hòa”, trong văn hóa trà đạo của Nhật, khi thực hiện nghi lễ này thì người pha trà phải hòa hợp với các dụng cụ pha trà thì mới làm ra được một tách trà ngon. Ngoài ra “hòa” cũng chỉ sự đồng điệu cần có giữa người pha trà và người thưởng trà, phải là những người có chung đam mê, sở thích thì mới có thể cùng thưởng thức nghi lễ đặc biệt này.
- Kính: “kính” được hiểu là sự kính trọng, biết ơn với tất cả những điều đang hiện hữu ở xung quanh, dù là không gian pha trà, dụng cụ, nguyên liệu…đều là những thứ không thể thiếu và góp phần giúp cho buổi trà đạo được trọn vẹn và hoàn hảo nhất.
- Thanh: sự thanh bình, yên ả trong tâm hồn chính là mục đích to lớn mà trà đạo Nhật Bản luôn hướng đến. Người pha trà và thưởng trà đúng điệu phải mang một tâm hồn thanh tịnh thuần khiết mới có thể cảm nhận được cái “ngon” thực sự của ly trà cũng như những giá trị tinh thần cao quý mà trà đem đến.
- Tịch: nguyên tắc cuối cùng và cốt lõi nhất của trà đạo chính là sự bình lặng, u tịch nhưng không tối trong tâm hồn của trà nhân và người thưởng trà. Chỉ cần trong tâm người được thư thái, tĩnh mịch thì bên ngoài dù có ồn ào náo nhiệt đến đâu cũng không thể ảnh hưởng tới người và trà, lúc này trà như một người bạn chí cốt, là niềm vui, sức sống của con người, mang đến những ý niệm tốt đẹp giúp cho con người sống tốt và sống đẹp hơn.
Nguồn gốc lịch sử Trà đạo Nhật Bản như thế nào?
Vào thế kỷ thứ VIII, trà bắt đầu nổi lên và được sử dụng ngày càng phổ biến trong tầng lớp quý tộc tại Trung Quốc, văn hóa uống trà lúc bấy giờ được coi là nếp sống phóng khoáng và xa xỉ. Vào thời điểm này, có nhiều nhà sư từ Nhật Bản đến Trung Quốc để tìm hiểu về văn hóa Phật giáo, có một nhà sư tên là Murata Juko đã nhận ra được vẻ đẹp giản dị tiềm ẩn bên trong lối văn hóa xô bồ này, đó chính là khởi đầu của trà đạo.
nguồn ảnh: sưu tầm
Tuy nhiên phải đến thế kỷ thứ XII thì trà đạo mới được biết đến rộng rãi ở Nhật Bản, sau đó Senno Rikyu đã tạo nên nghi thức trà đạo đúng nghĩa, đây chính là bước đột phá trong quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa đặc sắc này. Từ đó về sau, nghệ thuật trà đạo đã lan rộng khắp đất nước Nhật Bản, bất cứ ai dù là Hoàng gia, quý tộc, võ sĩ, thiền sư hay những người dân thường đều có thể trở thành trà sư.
Ngay nay, tuy xã hội ngày càng phát triển hiện đại nhưng trà đạo vẫn luôn là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Nhật. Và không chỉ ở Nhật Bản, trà đạo đã lan rộng ra phạm vi toàn thế giới và trở thành một loại hình văn hóa đặc sắc được nhiều người ưa chuộng, đó chính là một thành công lớn trong công cuộc quảng bá văn hóa của Nhật Bản trên bản đồ thế giới rộng lớn.
Ý nghĩa của trà đạo Nhật Bản là gì?
Ý nghĩa trọng tâm và xuyên suốt nhất của nghi lễ trà đạo từ xưa tới nay chính là thông qua quá trình chuẩn bị, pha chế và thưởng trà cầu kỳ, tỉ mỉ để giúp cho tâm hồn con người được thanh lọc và tĩnh lặng, xua tan hết những muộn phiền, lo âu ngoài kia để đắm chìm vào thế giới bình yên và sâu lắng nhất.
Trà đạo Nhật Bản chính là lối sống “làm chủ bản thân”, khi tự tay chuẩn bị nguyên liệu, đun những ấm trà và từ từ thưởng thức hương vị ấm nồng của nó, người ta sẽ nhận ra một điều rằng những thứ do bản thân tự tay và tự tâm làm sẽ luôn mang hương vị tuyệt vời nhất mà không ai có thể tạo ra được.
nguồn ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, mỗi thứ có liên quan đến trà đạo như trà viên, trà thất, nguyên liệu, dụng cụ…đều mang trong mình những ý nghĩa nhất định nhưng điểm chung nhất của chúng chính là hòa hợp tuyệt đối với người pha trà, tâm hồn của con người và đồ vật phải được kết nối với nhau thì tách trà thành phẩm mới được coi là trọn vẹn.
Trà đạo còn mang ý nghĩa tâm giao giữa trà nhân và người thưởng thức. Những người có cùng đam mê và sở thích chắc chắn sẽ tìm được sự đồng điệu trong trà, bởi trà đạo chính là sợi dây vô hình để liên kết các tâm hồn với nhau, đưa họ đến gần nhau và trở thành những người tri kỷ.
Trà đạo Nhật Bản được tổ chức khi nào?
Trà đạo Nhật Bản thường được tổ chức khi gia chủ mời khách đến phòng trà vào một dịp kỷ niệm hoặc một ngày đặc biệt nào đó. Sở dĩ trà đạo Nhật Bản không thể tổ chức hằng ngày và ở mọi nơi là vì hầu hết người Nhật đều không có phòng trà đạo riêng ở nhà. Các phòng trà đạo thường sẽ được bố trí tại các trung tâm hoặc câu lạc bộ trà đạo dành cho những người có đam mê và yêu thích bộ môn này.
nguồn ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, tại các ngôi chùa Phật giáo Nhật Bản cũng sẽ tổ chức các buổi họp mặt theo nghi lễ trà đạo, tuy nhiên chỉ có những người chuyên nghiệp mới được tham gia buổi trà đạo chính thức là bữa ăn kaiseki, còn những người nghiệp dư hay mới bắt đầu thì chỉ có thể tham gia buổi trà không chính thức chakai.
Trà đạo Nhật Bản sẽ thường được tổ chức vào các ngày lễ trong năm như năm mới, lễ kỷ niệm hoa anh đào, kỷ niệm mùa lá rụng, mùa thu hoạch trà và một vài dịp khác. Còn người Nhật thường ngày sẽ sử dụng lá trà tươi đun sôi nhiều hơn là trà matcha xay vì lá trà tươi rất tốt cho sức khỏe và cách chuẩn bị, cách chế biến cũng không quá cầu kỳ.
Các trường phái chính trong văn hóa Trà đạo Nhật Bản
Trà đạo Nhật Bản cũng được phân chia thành nhiều trường phái khác nhau, mỗi trường phát lại mang những nét độc đáo riêng biệt
Trường phái trà đạo Urasenke
Đây là trường phái trà đạo lớn nhất, chiếm hơn một nửa số lượng trà nhân tại Nhật Bản. Urasenke luôn ưu tiên sự hài lòng của khách lên hàng đầu nên các trà sư rất chú trọng việc lựa chọn nguyên liệu, dụng cụ có chất lượng tốt nhất, bày trí không gian sao cho đẹp mắt và ấn tượng nhất dành cho những vị khách trong buổi trà đạo.
Trường phái trà đạo Omotesenke
Đây cũng là một trường phái trà đạo được rất nhiều người yêu thích, trường phái này thường chú trọng vào sự đơn giản, mộc mạc và lễ nghi truyền thống. Vì vậy nên các dụng cụ và cách pha trà của các trà sư thuộc trường phái này thường đơn giản và khiêm tốn nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Trường phái trà đạo Mushakojisenke
Mushakojisenke là trường phái trà đạo tiêu biểu cho sự tinh gọn và hạn chế các nghi thức dư thừa, các phòng trà theo trường phái này sẽ được trang trí hết sức đơn giản. Chính vì Mushakojisenke luôn đặt mục đích dành thời gian để thưởng thức trà lên hàng đầu nên có nhiều người không gọi nghi thức này là “trà đạo” mà thường gọi là “chanoyu”, có nghĩa là buổi tiệc trà vui vẻ.
Không gian thưởng thức trà đạo chuẩn Nhật
Không gian thưởng thức trà là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên một buổi trà đạo đúng nghĩa bởi không phải trong không gian nào cũng có thể cử hành nghi lễ đặc biệt này, tất nhiên sẽ có những quy định riêng dành cho các “không gian trà đạo”.
Trà Thất
Trà thất là căn phòng có diện tích nhỏ nhất khoảng 3m x 3m, được sử dụng để tổ chức các buổi trà đạo và thường được hiểu là phòng trà đạo. Trong trà thất thường có trải những tấm tamami hoặc chiếu tre được sắp xếp thành hình vuông ngay ngắn dưới sàn. Các đạo cụ, đồ trang trí trong trà thất thường là các bức tranh, câu đối, thơ ca…giúp tăng sự trang trọng và nghệ thuật. Ngoài ra, trong trà thất cũng thường được đặt các bình hoa nhỏ để làm cho căn phòng thêm sinh động và nhiều màu sắc hơn. Các lư hương trầm cũng thường được bày trí ở góc phòng để đem đến mùi hương thoang thoảng dễ chịu, giúp cho không gian căn phòng được ấm cúng và thư giãn tinh thần của người pha trà cũng như người thưởng trà.
nguồn ảnh: sưu tầm
Trà Viên
Trà Viên cũng là một không gian thưởng trà đạo vô cùng độc đáo, kết hợp hài hòa giữa vườn cây, hoa lá và trà đạo, tuy nhiên nó ít thông dụng hơn Trà thất bởi vì cách chuẩn bị và bày trí khá cầu kỳ. Để có được một trà viên như ý, gia chủ cần phải sắp xếp, trang trí khu vườn làm sao cho vừa đẹp mắt vừa giữ được nét tự nhiên vốn có. Trong trà viên thường được đặt các loại cây hoa như hoa anh đào, hoa mai, hoa mơ, tùng trúc hay liễu để tạo cảm hứng cho người thưởng trà. Ngoài ra, trong các khuôn viên sân vườn của Nhật Bản thường sẽ được bày trí thêm các hòn non bộ, đá tảng hay chậu nước theo bố cục nhất định để tạo ra sự cân bằng âm – dương. Khi thưởng trà trong các trà viên, người Nhật thường sẽ ngồi ngay trên thảm cỏ trong vườn hoặc nền đá chứ không ngồi lên các tấm chiếu hay thảm như ở trà thất.
Nguyên liệu, dụng cụ pha chế trà đạo
Để pha chế trà theo nghi thức trà đạo thì cần rất nhiều nguyên liệu và dụng cụ khác nhau:
nguồn ảnh: sưu tầm
- Trà: loại trà được sử dụng trong pha chế trà đạo được gọi chung là trà bột Matcha, tùy vào các trường phái khác nhau mà người ta sẽ sử dụng các loại matcha riêng biệt. Những lá trà non thường được hái vào sáng sớm, sau đó được mang đi rửa sạch, phơi ráo nước và xay nhuyễn lúc còn tươi, chính vì vậy nên bột matcha luôn có màu xanh và độ ẩm rất tự nhiên. Ngoài bột trà thì người ta có thể thêm vào trà một số nguyên liệu thảo dược hoặc củ quả phơi khô để tăng thêm hương vị cho chén trà cũng như có tác dụng trị liệu rất tốt cho sức khỏe.
- Nước pha trà: là loại nước sạch, đã được tinh lọc từ nước mưa, nước suối hoặc nước giếng
- Ấm nước: thường được làm bằng kim loại, nhiều nhất là bằng đồng để đun nước sôi pha trà.
- Lò nấu nước: ngày trước bếp lò thường được dùng than để đun nấu nhưng hiện nay đã thay đổi bằng bếp điện để dễ dàng sử dụng hơn.
- Hũ đựng nước: dùng để đựng nước lạnh pha trà trước khi đun
- Chén trà: chén là dụng cụ để đựng trà thưởng thức, chén trà thường được làm bằng men hoặc gốm với thiết kế công phu, tỉ mỉ và nhiều họa tiết, hoa văn đặc biệt.
- Khay trà: thường được làm bằng gỗ, có màu sắc ấm cúng và dùng để đựng các chén trà.
- Hộp đựng trà: thường được làm bằng gốm sứ, có hình quả táo và được dùng để bảo quản trà.
- Lọc trà: dụng cụ để lọc những cặn trà còn sót lại giúp cho nước trà được trong hơn
- Dụng cụ đánh trà: dùng để đánh tan trà với nước sôi, được làm từ ống tre và chẻ nhỏ một đầu thành nhiều sợi tre uốn cong.
- Chậu đựng nước: thường được gọi là kensui, dùng để dựng nước rửa chén khi pha trà.
- Muỗng múc trà: là chiếc muỗng (thìa) dài làm bằng tre dùng để múc trà cho vào ấm trà.
- Gáo múc nước: chiếc gáo nhỏ bằng tre dùng để múc nước vào chén trà.
- Khăn vệ sinh: là các loại khăn dùng để lau hũ trà, chén trà và các dụng cụ khác khi pha trà. Ngoài ra còn có loại khăn riêng để kê chén trà, giúp chén trà bớt nóng rồi mới đưa đến tay khách.
- Bình trà và tách trà nhỏ: dùng để pha và thưởng thức trà lá.
- Bánh ngọt: trước khi uống trà, người ta sẽ ăn vài loại bánh ngọt để khi uống trà sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của trà rõ hơn.
Các loại trà thường được sử dụng trong nghệ thuật Trà đạo Nhật Bản
Trà được coi là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một buổi trà đạo đúng nghĩa đối với người Nhật.
Trà Matcha
Như đã nói ở bên trên, trà Matcha là loại trà bột phổ biến nhất trong văn hóa trà đạo ở Nhật Bản, thông qua quy trình hái – lọc – rửa – phơi – xay nhuyễn sạch sẽ và tinh tế, matcha thành phẩm được sử dụng sẽ có mùi thơm thanh, hương vị ngọt chát và rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
nguồn ảnh: sưu tầm
Trà Sencha
Ngoài trà bột Matcha thì người Nhật còn sử dụng trà lá Sencha để pha trà. Các lá trà tươi sẽ được hấp ngay sau khi hái và rửa sạch, sau đó vò và sao khô là chúng ta đã có thành phẩm trà Sencha thơm ngon, tươi mới.
nguồn ảnh: sưu tầm
Trà Gyokuro
Đây là một loại trà xanh cao cấp thượng hạng của Nhật Bản, lá trà được sử dụng sẽ giống với trà Matcha nhưng sau khi hái sẽ chỉ phơi khô và có thể pha trà luôn mà không cần xay nhuyễn thành bột. Gyokuro có mùi hương thơm ngọt và có vị tươi mát, sảng khoái gần giống với lá trà tươi.
nguồn ảnh: sưu tầm
Cách thức pha chế và thưởng thức trà đạo đúng chuẩn
Pha chế trà đạo bằng Matcha sao cho đúng?
- Bước 1: lấy một lượng bột matcha vừa đủ ra chén trà (tùy vào số lượng người để xác định lượng bột sao cho phù hợp)
- Bước 2: Dùng rây lọc để rây qua bột matcha, tránh để bột bị vón cục
- Bước 3: Dùng dụng cụ đánh trà (chasen) để tán đều bột trong chén
- Bước 4: Cho vào chén khoảng 50-60ml nước ấm (khoảng 80 độ C là thích hợp nhất) và đánh trà bằng chasen theo hình chữ “M” thật đều tay cho đến khi có lớp bọt xanh trắng nổi lên trên mặt chén.
- Bước 5: Sau khi đánh trà xong, nhấc chasen ra khỏi chén thật nhanh theo chiều thẳng đứng để tránh làm hỏng lớp bọt bên trên.
Những nghi thức cần chú ý khi thưởng thức trà đạo Nhật Bản
- Trang phục của chủ nhà và khách thưởng trà cần phải trang trọng và lịch sự, tốt nhất là mặc trang phục truyền thống khi uống trà cùng người Nhật.
- Khi gặp mặt, chủ nhà và khách sẽ cúi đầu chào trong im lặng và tiến hành nghi thức rửa tay và súc miệng để thanh tẩy trước khi bước vào buổi trà đạo.
- Khi uống trà, tất cả mọi người sẽ ngồi theo tư thế seiza (ngồi quỳ) truyền thống của Nhật Bản, trà sư sẽ đưa chén trà đầu tiên cho vị khách quan trọng nhất trước.
- Người uống trà nên thể hiện sự tôn trọng bằng cách khen ngợi hương vị của chén trà và chuyển chén cho vị khách tiếp theo. Quy trình thưởng trà sẽ diễn ra xoay vòng như vậy cho đến khi tất cả mọi người đều đã thưởng thức trà xong.
- Trong lúc thưởng trà, mọi người có thể bình phẩm về các tác phẩm nghệ thuật xung quanh như tranh vẽ, câu đối, cây hoa…để buổi trà đạo thêm phần ấm cúng.
Văn hóa Trà đạo Nhật Bản tại Việt Nam
Khi thế giới ngày càng phát triển thì hội nhập là điều tất yếu tại mỗi quốc gia, nhất là hội nhập các nền văn hóa đẹp đẽ từ đất nước khác để làm giàu thêm có kho tàng văn hóa bản sắc quốc gia mình.
Việt Nam cũng là một đất nước ở châu Á và chịu ảnh hưởng ít nhiều của nền văn hóa đặc sắc Nhật Bản, trong đó có văn hóa trà đạo. Hiện nay, ở Việt Nam đang ngày càng nhiều người yêu thích và mong muốn được tìm hiểu về nét đẹp văn hóa độc đáo này, các câu lạc bộ, tổ chức văn hóa về trà đạo chuẩn Nhật đang ngày càng được mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng. Trong các tuần lễ văn hóa, lễ hội ẩm thực Việt Nam – Nhật Bản, trà đạo cũng là một yếu tố không thể thiếu đi mà ngược lại còn vô cùng nổi bật.
Hơn nữa, văn hóa trà đạo của Nhật Bản và Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng trong nguyên liệu, nghi thức, giá trị và ý nghĩa nên có thể kết nối với nhau qua con đường ngoại giao văn hóa, giúp cho nhân dân 2 nước biết đến những nét đẹp truyền thống của nhau nhiều và sâu sắc hơn.
Gợi ý một vài địa điểm trải nghiệm trà đạo đúng chuẩn phong cách Nhật Bản
Nếu bạn là một người yêu thích văn hóa trà đạo đặc sắc của Nhật Bản thì hãy một lần đặt chân đến đất nước này để tận mắt, tận tay thưởng thức nghi lễ trà đạo do chính những trà sư tổ chức. Bạn có thể ghé thăm các câu lạc bộ, các ngôi chùa hoặc các quán trà truyền thống để tham gia các buổi giới thiệu về trà đạo để hiểu rõ hơn về nét văn hóa này. Tuy nhiên nếu bạn là người mới thì có thể sẽ không được trải nghiệm nghi thức này mà chỉ có thể quan sát.
Và nếu bạn chưa có điều kiện để đến Nhật Bản thì có thể ghé thăm một vài câu lạc bộ hoặc hội nhóm những người đam mê trà đạo tại Việt Nam để có cơ hội thưởng thức nghi lễ trà này tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa thể đảm bảo 100% về tinh thần so với trà đạo tại Nhật Bản. Ngoài ra ở một số khu du lịch, nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản cũng thường có các hoạt động trải nghiệm văn hóa trà đạo mô phỏng dành cho du khách.
Cách không quá xa trung tâm thành phố Hà Nội về phía Tây Bắc, chỉ cần khoảng 1 giờ đồng hồ lái xe là du khách đã có thể đến được Lynn Times Thanh Thủy – khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có phục vụ văn hóa trà đạo của người Nhật nằm tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ.
Không gian thưởng thức trà đạo Nhật Bản tươi xanh, yên bình tạo Lynn Times Thanh Thủy
Lynn Times Thanh Thủy là một địa điểm nghỉ dưỡng chuyên cung cấp dịch vụ khoáng nóng Onsen cùng các dịch vụ vui chơi – giải trí – văn hóa Nhật Bản top đầu tại miền Bắc Việt Nam. Đến đây bạn sẽ được trực tiếp trải nghiệm văn hóa trà đạo Nhật Bản trong khuôn viên Vườn Nhật Matsuri, bảo tàng văn hóa Nhật Bản và Shoptel trà đạo ở Phố đi bộ Hokkaido, không chỉ ngắm nhìn, quan sát mà bạn còn có thể được học cách pha chế cũng như các lễ nghi trong buổi trà đạo và thưởng thức những chén trà thơm ngon chuẩn vị Nhật trong không gian trà thất trang nghiêm nhưng không kém phần nghệ thuật.
Ngoài ra nếu yêu thích tìm hiểu văn hóa lịch sử Nhật Bản thì du khách còn có thể ghé thăm chùa Vàng Daruma-Ji – ngôi chùa vàng duy nhất tại miền Bắc được lấy cảm hứng thiết kế từ biểu tượng của cố đô Kyoto – chùa Kinkakuji. Đến đây du khách sẽ như được bước vào thế giới tâm linh thanh tịnh của Phật giáo Nhật Bản cùng rất nhiều lễ nghi truyền thống như rửa tay thanh tẩy, treo thẻ ước nguyện Ema hay cầu nguyện cùng búp bê may mắn Daruma hứa hẹn sẽ khiến cho chuyến đi của các bạn thú vị hơn rất nhiều lần.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến nay trà đạo Nhật Bản vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống vốn có đồng thời kết hợp với công tác quảng bá hiện đại để góp phần đưa nét văn hóa độc đáo này đến với bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế của văn hóa Nhật Bản trên bản đồ thế giới. Trên đây là những tìm hiểu chi tiết nhất về văn hóa trà đạo Nhật Bản, hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và nuôi dưỡng đam mê với loại hình văn hóa đặc sắc này.